Friday 22 February 2013

Chōjin Sentai Jetman





http://nikoscream.files.wordpress.com/2009/08/jetman_team.jpg

Chōjin Sentai Jetman


Bài viết bên dưới được dịch từ Wikipedia Japan.

"Điểu nhân Chiến đội Jetman" (Chōjin Sentai Jettoman) là loạt phim Tokusatsu chiếu trên đài truyền hình Terebi Asahi do hãng Tōei chế tác.
Loạt phim này gồm 51 tập, được chiếu từ ngày 15 tháng 2 năm 1991 (Heisei thứ 3) cho đến ngày 14 tháng 2 năm 1992 (Heisei thứ 3) vào 17:30 đến 17:55 các ngày thứ sáu hàng tuần. Jetman còn là tên gọi chung của các nhân vật chính trong phim khi biến thân. Đây là tác phẩm thứ 15 trong "Super Sentai series".

Khái yếu

Loạt phim này mô tả cuộc chiến của 5 chiến sĩ người chim Jetman chống lại những kẻ xâm lược Địa cầu trong tổ chức Bairam cũng như những mối tình trong nội bộ Jetman. Rút kinh nghiệm từ loạt phim trước là "Địa cầu Chiến đội Fiveman" vốn không ăn khách, "Điểu nhân Chiến đội Jetman" đả phá những cái cũ, những lối mòn tồn tại sẵn trong series, có những bước đột phá mang tính cách mệnh ảnh hưởng đến những loạt phim Sentai sau này. Nhiều yếu tố mới mẻ cùng với dàn diễn viên trẻ đã giúp "Điểu nhân Chiến đội Jetman" thoát khỏi đường cùng khi Tōei định ngưng hẳn dòng phim Sentai, lật ngược tình thế. Theo nhận xét chính thức của Tōei thì hãng phim này cho rằng "Điểu nhân Chiến đội Jetman" chính là đỉnh cao của series trước khi loạt phim "Bách thú Chiến đội Gao-ranger" xuất hiện.

Loạt phim này có motif tương đồng với "Đội Ninja khoa học Gatchaman" (Kagaku Ninja-tai Gatchaman) cũng như tiếp thu nhiều yếu tố từ Gatchaman. Từ những yếu tố như 5 nhân vật chính sở hữu 5 chiến đấu cơ, quan hệ cạnh tranh giữa leader Ryū với sub-leader Gai, kền kền đen phải chết ở tập cuối... thì có thể nói Jetman lả một bản sao của Gatchaman. Tiêu đề của phim cũng được thay đổi nhiều lần trước khi được quyết định chính thức.

Bối cảnh ra đời

Loạt phim trước đó là "Địa cầu Chiến đội Fiveman" bị khán giả xem đài bỏ lơ từ nửa sau trong khi các nhà tài trợ thì phản đối khiến series Super Sentai lâm vào nguy cơ bị ngưng hẳn. Theo ông Suzuki Takeyuki thuộc hãng phim Tōei thì nguyên nhân chính của việc này là "đây là series dài kỳ nên không thể tránh được những lối mòn", và ông đã thử nhiều cách tân trong loạt phim này. Theo Shirakura Shin-Ichirō, giám đốc sản xuất của Tōei cho hay thì đương thời, từ thời "Địa cầu Chiến đội Fiveman" cho đến "Khủng long Chiến đội Jū-ranger" thì mỗi ngày ở xưởng phim, mọi người đều làm việc trong tinh thần chuẩn bị cho việc Sentai bị ngưng bất cứ lúc nào.
Khi Suzuki Takeyuki nhận Utsunomiya Keita làm đạo diễn cho Jetman thì ông có tiết lộ rằng "có thể đây sẽ là loạt phim Sentai cuối cùng". Từ thời "Cao tốc Chiến đội Turbo-ranger" thì tỷ lệ nghe nhìn ngày càng giảm khiến Sentai rơi vào nguy cơ bị đình chỉ. Nhưng đến nửa sau của "Địa cầu Chiến đội Fiveman", nhà sản xuất đưa ra nhiều kế sách nhắm đến đối tượng người xem lớn tuổi nên tỷ lệ nghe nhìn có tăng lên. Trong bối cảnh đó, họ quyết định xây dựng loạt phim với nhiều yếu tố cách tân về thế giới quan để tìm hướng đi mới cho series Sentai. "Điểu nhân Chiến đội Jetman" ra đời trong bối cảnh như vậy.

Đặc trưng về nền tảng

Khi được chiếu sóng Birdonic Wave vốn có tác dụng cường hóa năng lực trong cơ thể người, nhân vật có thể biến thân thành Jetman. Ban đầu chỉ có một thành viên chính quy là Red Hawk Tendō Ryū, còn 4 người khác chỉ là các thị dân tình cờ bị sóng Birdonic Wave chiếu phải. Vì vậy, nội dung của 3 tập đầu tiên chủ yếu xoay quanh việc Red Hawk đi tìm và thuyết phục những người còn lại vào tổ chức Jetman. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Super Sentai mà không có đủ hết 5 thành viên cùng biến thân ngay trong tập đầu.
Màu trang phục của Jetman gồm đỏ, đen, vàng, lam và trắng, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Sentai không có màu hồng. Tuy nhiên, trong trang phục của White Swan vẫn có màu hồng ở những phần màu trắng trong các trang phục màu khác.

Trong các loạt phim trước có kiểu Robo pháo đài chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ, nhưng Jetman l à phim đầu tiên có một Robo phụ xuất hiện để trợ lực cho các Robo chính. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Robo phụ này có khả năng trở thành vũ khí chiến đấu cho các Robo chính. Yếu tố này đã ảnh hưởng nhiều đến các phim Sentai thế hệ sau trong series.

Đặc trưng về mặt dựng phim

Một điều không thể không nhắc đến khi nói về Jetman là việc các thành viên gọi nhau bằng tên thật ngay cả sau khi biến thân. Trong các phim Sentai trước đó, nhân vật gọi nhau bằng code name, chẳng hạn như Five Red, Flash Green,... nhưng các diễn viên trẻ Tanaka Kōtarō và Wakamatsu Toshihide cho rằng như vậy là bất tự nhiên nên nhà làm phim đã thay đổi, chuyển sang gọi bằng tên thật. Điều này ảnh hưởng lớn đến các loạt phim Sentai sau này, hầu như đều gọi tên thật của nhân vật sau khi biến thân.



Những cảnh như thế này không thấy nhiều ở các phim Sentai khác

Người viết kịch bản chính cho phim là Inoue Toshiki đã xây dựng nhiều tập phim mà trong đó tất cả các nhân vật chính đều không cần phải biến thân một lần nào cũng giải quyết được vấn đề trong phim. Tuy nhiên điều này vấp phải sự phản đối từ phía nhà tài trợ, không được chấp thuận và có trường hợp nhà làm phim phải gấp rút thêm vào những cảnh chiến đấu.
Ý tưởng kết thúc tập phim mà nhân vật không phải biến thân sau này được áp dụng cho "Ngũ tinh Chiến đội Dai-ranger". Tuy nhiên trong loạt phim này, ở các tập nhân vật không biến thân là do rơi vào hoàn cảnh có muốn biến thân cũng không được chứ không phải vì ý muốn không biến thân.

Đặc trưng về mặt trào lưu

Một đặc trưng lớn của Jetman là việc miêu tả tình yêu nam nữ trong cùng một Chiến đội, yếu tố vốn bị bài trừ trong nhiều loạt phim trước đó. Theo Suzuki Takeyuki thì đây là một kinh nghiệm ông rút ra được khi thực hiện bộ Anime "Đấu tướng Daimos", rằng những yếu tố yêu đương này chính là vũ khí để thu hút người xem lớn tuổi.
Thực ra yếu tố luyến ái cũng được thể hiện trong "Quang Chiến đội Maskman", nhưng bị chỉ trích rằng tập trung quá nhiều vào nhân vật chính. Rút kinh nghiệm này, tình yêu trong Jetman được dàn trải đều cho các nhân vật, như tình cảm của Black Condor Yūki Gai và Yellow Owl Raita đối với White Swan Kaori, nhưng Kaori lại dành tình cảm cho Red Hawk Tendō Ryū còn Ryū thì không thể nào quên được người yêu cũ Rie của mình vốn đã trở thành một nhân vật trong hàng đầu lãnh bên địch. Mối quan hệ tứ giác phức tạp này là điểm chưa từng thấy trong các loạt phim trước đó và nó cũng là nhân tố khiến Điểu nhân Chiến đội bao lần rơi vào nguy cơ sụp đổ.

Ngoài việc miêu tả tình yêu giữa các thành viên với nhau, một mảng lớn trong Jetman còn tập trung vào yếu tố hài hước vốn đã là một đặc điểm của series. Tình yêu và sự hài hước là hai yếu tố không thể thiếu trong trào lưu phim truyền hình lúc bấy giờ. Để mô tả về Jetman, trong ca khúc kết thúc của "Hải tặc Chiến đội Gōkaiger" (năm 2011), từ khóa cho loạt phim Jetman này là "trendy" (trào lưu).

Tranh chấp trong nội bộ tổ chức địch

Khác với các phim Sentai trước đó, tổ chức địch (Bairam) trong Jetman không tồn tại nhân vật đầu lãnh ("trùm") với sức mạnh áp đảo và thống lãnh tất cả để xâm lược Địa cầu. Tổ chức địch chỉ gồm vỏn vẹn 4 đầu lãnh thường xuyên bày mưu tính kế, tranh chấp nhau ngôi vị Đế vương để thống lãnh những kẻ còn lại, vừa quấy rối nền hòa bình của Địa cầu. Số lượng quái thú trong Jetman cũng ít hơn nhiều so với các phim Sentai khác.
Đây chính là điểm hấp dẫn của Jetman, mạch truyện không còn theo một tuyến tính nhám chán dễ đoán biết trước ở các phim Sentai khác. Mặc dù việc tranh chấp trong nội bộ tổ chức địch cũng tồn tại ở một số phim, nhưng trong Jetman thì yếu tố này nổi trội hơn cả. Cao trào là khi một đầu lãnh bên địch bắt tay với tổ chức Jetman để cùng tiêu diệt một đầu lãnh hùng mạnh khác trong tổ chức địch. Như vậy, khái niệm địch ta là hai kẻ thù không đội trời chung, vốn là đặc điểm truyền thống của Super Sentai, nay trở nên mờ nhạt trong Jetman.
 
 
 
 
 
 

Đặc trưng về mặt biểu diễn

Vốn đặt nặng tính gây cấn, Jetman cho thấy nhiều kỹ xảo Tokusatsu mang tính cách tân như cảnh Jet Hawk bay trong công trường, cảnh Jet Icarus hợp thể khi đạo diễn dùng hình nộm thay cho cảnh quay mô hình trong tíc tắc. Đặc biệt, Robot khổng lồ trong Jetman cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn so với nhiều loạt phim trước đó, điều này dẫn đến doanh thu cao trong mảng chế tác đồ chơi phỏng theo hình dạng của Robot trong phim và ảnh hưởng nhiều đến sự ra đời của Thủ hộ thú (Jū-ranger) hay Khí truyền thú (Dai-ranger).



Cảnh Jet Icarus hợp thể với Jet Garuda

Nếu như sự xuất hiện của Robot khổng lồ trong các phim Sentai khác đồng nghĩa với sức mạnh và chiến thắng tuyệt đối cho "phe ta" thì điều này không còn chỗ đứng trong Jetman. Trong nhiều tập phim, có thể thấy Robot của "phe ta" bị quái nhân đả thương trầm trọng đến mức phải sửa chữa. Trong nhiều tập phim, "phe ta" bị quái thú bên địch đánh cho xiểng liểng, và có nhiều tập đến khi kết thúc vẫn không thấy Robot khổng lồ xuất hiện. Nếu như trong các phim Sentai khác, Robot khổng lồ xuất hiện đều như vắt chanh trong mỗi tập và đều dùng những chiêu thức giống nhau để kết thúc quái thú khổng lồ thì những yếu tố nhàm chán này không được lặp lại trong Jetman.

Sự kiện Garuda

Từ tháng 7 năm 1992 kéo dài cho đến tháng 1 năm 1993, công ty sản xuất đồ chơi khoa học dành cho thiến niên ở Hàn Quốc đã tự ý sao chép và phân phối mẫu đồ chơi Jet Garuda mà không thông qua Bandai, công ty thiết kế nên mẫu đồ chơi này. Bấy giờ Hàn Quốc đã tham gia Công ước Quốc tế về bản quyền nên việc này xâm phạm đến quyền lợi được bảo hộ của hãng phim Tōei và hãng đồ chơi Bandai. Sau đó công ty đồ chơi Hàn Quốc bị tòa xử thua, và sự kiện rầm rộ này đánh dấu một bước ngoặc trong việc xử lý vi phạm tác quyền ở đất nước này, vốn trước đó hầu như không quan tâm đến tác quyền nhân vật.

Đánh giá

Với nhiều điểm cách tân như vậy, Điểu nhân Chiến đội Jetman là loạt phim đầu tiên trong series phim vốn vẫn được xem là dành cho con nít, nay lại thu hút được nhiều người xem lớn tuổi. Trong khi nhà đài phát sóng và ngay cả sau khi kết thúc, Terebi Asahi, cục truyền hình ANN đều nhận được nhiều ý kiến bày tỏ hảo cảm từ phía người xem đài, cũng như nhiều ý kiến tốt trên các tờ báo lớn. Có những tập, số lượng ý kiến phản hồi nhiều đến độ nhà đài phải kinh ngạc. Tuy nhiên Jetman cũng gặp phải một số phản đối từ phía những nhà bảo hộ trẻ em, rằng "liệu cho trẻ nhỏ xem đề tài yêu đương như vậy có ổn không". Nhân vật Black Condor Yūki Gai được các bà nội trợ yêu thích, và có người còn viết thư bày tỏ hy vọng của mình là Gai không chết sau khi tập cuối phim được trình chiếu. Theo dự án ban đầu, nhân vật Gai phải chết nhưng vấp phải sự phản đối từ phía người hâm mộ, nhà làm phim đã không miêu tả cái chết của Gai mà bỏ lửng cho khán giả tự suy đoán.

Theo nhận định chính thức của hãng phim Tōei cùng nhiều comment trên Internet cũng như tạp chí, sách báo thì người Nhật xem Jetman là đỉnh cao cách mạng của thể loại Super Sentai.
Theo nguyệt san Toyjournal thì tổng doanh thu của Jetman đã vượt mức 150 tỷ En Nhật. Jetman còn được rất nhiều fan bầu chọn là loạt phim hay nhất trong đại gia đình Super Sentai. Trong đợt đầu phiếu của tạp chí "B-CLUB" thì Jetman đứng vị trí đầu bảng về các phim Sentai được yêu thích. Jetman cũng tỏa sáng trong vị trí số 1 trong đại hội Super Sentai Request do hãng phim Tōei tổ chức.

Một số comment về Điểu nhân Chiến đội Jetman (Chōjin Sentai Jettoman)

Comment 1: tình yêu, phản trắc, tình đồng chí, giận dữ, vui sướng, đau khổ... Nói chung là hỷ nộ ái ố, đủ mọi cảm xúc của con người được thể hiện đầy đủ trong Chōjin Sentai Jettoman! Đỉnh cao nhất của thể loại phim "siêu nhơn"!

Comment 2: Chōjin Sentai Jettoman có một tâm hồn người lớn trong vóc dáng của trẻ con. Có thể nói đây là "phim người lớn" dành cho con nít hoặc cũng có thể xem là "phim con nít" dành cho người lớn.

Comment 3: quái thú xuất hiện --> các "siêu nhơn" địch không nổi --> gọi Robot khổng lồ --> thắng lợi tuyệt đối. Cổ rồi! Jetman không chấp nhận những cái dễ dãi như vậy!

Comment 4: hãy xem Jetman để thấy rằng Sentai cũng có những phim "dành cho người lớn".

Comment 5: 5 anh em "siêu nhơn" giờ lại quay sang yêu lẫn nhau!