Monday 28 March 2011

Viết về Gunpla, kỳ III

Dòng kit RG (Real grade)


Dòng này được phát hành nhân kỷ niệm 30 năm Gunpla, có tỷ lệ 1/144 và cấu tạo chi tiết, tỉ mỉ như mẫu vật thật nằm gọn trong lòng bàn tay. Mô hình đầu tiên của dòng này là RX-78-2 được phát hành vào tháng 7 năm 2010. Dòng kit này thừa kế hết những tinh hoa kỹ thuật của hai dòng MG và PG, từng bộ phận được thiết kế sao cho giống mẫu vật thật nhất. Về cấu tạo thì dòng RG gồm một bộ khung xương bên trong và được được gắn giáp bên ngoài, không khác gì thiết kế của Gundam trong nguyên tác. Về khớp nối giữa các bộ phận thì RG là dòng có phạm vi cử động lớn nhất trong các dòng kit nhựa. Dòng kit này áp dụng kỹ thuật thành hình đa sắc nên sau khi lắp ráp không cần sơn mà chỉ cần kẻ lằn chìm và sơn phủ (top coat) là hoàn chỉnh.
Về Runner thì dòng RG áp dụng kỹ thuật thành hình Advanced MS Joint vốn được nâng cấp từ kỹ thuật System Injection cũ, các bộ phận (part) gần như được lắp ráp sẵn trên Runner và chỉ cần cắt ra khỏi Runner cũng gần như hoàn thành phần khung xương của mô hình. Cũng chính vì vậy mà khi thao tác sai dẫn đến một bộ phận nhỏ bị hỏng thì người chơi phải mua lại cả phần Runner đó. Phần nhựa giữa Runner và part được gọi là Gate, và đối với dòng RG thì có ba loại Gate là Under Gate, Cavi Gate và Kusabi Gate.


Gate trong Runner

Ngoại trừ Under Gate thì hai loại còn lại đều có diện tích nhỏ hơn Gate của các dòng kit khác nên khi cắt ra khỏi Runner không để lại vết trắng hay vết cắt như đối với các loại khác. Tuy nhiên, vì diện tích tiếp xúc giữa Gate và part nhỏ hơn nên áp lực tác động lên phần này lớn hơn, dễ dẫn đến tình trạng part bị bong một phần do cắt.
Decal của dòng RG tái hiện chi tiết từng chỗ đánh dấu, ký hiệu trên toàn thân Gundam như trong nguyên tác và có trên trăm chỗ để dán. Trong số này có những phần decal tái hiện được ánh kim sáng loáng nên khi dán vào các phần khớp sẽ mang lại hiệu quả như được mạ bằng kim loại. Mô hình đầu tiên trong dòng RG này là RX-78-2 dựa trên mô hình Gundam 1/1 ở hội chợ mô hình Shizuoka, và thông qua việc lựa chọn decal dán, người chơi cũng có thể tái hiện lại hình ảnh mô hình 1/1 này với kích thước trong lòng bàn tay.

Dòng kit Chiến sĩ BB

Chiến sĩ BB (BB Senshi) là tên gọi chỉ chung các dòng Musha Gundam và SD Gundam vốn không theo tỷ lệ chuẩn nào. Tuy nhiên trong dòng Chiến sĩ BB thì SD chiếm đa số. SD là kiểu mô hình nhỏ gọn và được thiết kế phần đầu to hơn phần thân với kiểu dáng dễ thương, giản lược nhiều chi tiết và cường điệu hóa các chi tiết nổi bật. So với dòng HG và MG thì dòng này rẻ hơn, giá chừng 500 en (ban đầu là 300 en) đến 600 en nên cấu tạo cũng đơn giản hơn. Tên gọi của dòng này xuất phát từ việc lợi dụng lò xo để đẩy bật đạn BB (viên đạn nhựa tròn) ở các mô hình thế hệ đầu, nhưng chức năng này thường bị lược bỏ ở các dòng BB sau này. Trong hệ Musha Gundam thì kể từ sau series Musha Banchō Fūunroku thì mô hình được thiết kế với hình thể thấp lùn, đầu to chân ngắn. Series Chiến sĩ BB hiện thời là BB Senshi Sangokuden (Chiến sĩ BB Tam quốc truyện) lấy đề tài Tam quốc diễn nghĩa theo bộ Anime cùng tên, trong đó các nhân vật Tam quốc được thể hiện dưới dạng Gundam và các kiểu người máy liên quan.


SD Tôn Thượng Hương, một nhân vật trong series Tam quốc chí hiện đang được phát sóng.

Các dòng kit khác

EX Model

Là dòng kit có đề tài là các loại chiến xa, chiến hạm đóng vai trò phụ trợ trong các series Gundam. Dòng này giá thành rẻ hơn dòng kit resin nhưng đắt tiền hơn các dòng mô hình nhựa thông thường. Tỷ lệ của dòng kit này là 1/144 nhưng đối với các mô hình chiến hạm như Albion, Argama, White Base, Lavien Rose thì lại thống nhất tỷ lệ là 1/1700.

U.C.Hard Graph
Là dòng kit được phát hành từ năm 2006, đề tài là các loại chiến xa thiết giáp với tỷ lệ 1/35 và tái hiện thế giới quan của các series Gundam. Dòng kit này còn đi kèm với mô hình binh sĩ, hỏa khí, đồ trang bị và một phần MS. Thiết kế của dòng kit này nhắm đến tính thực tế trong tạo hình và cần phải dán một số chỗ khi lắp ráp.

Gunpla Collection
Là dòng kit được phát hành từ năm 2006, áp dụng kỹ thuật thu nhỏ với tỷ lệ 1/288, một phần khớp được giản lược và dùng snap-fix, khớp tròn (ball joint). Dòng kit này được sản xuất tại Trung Quốc chứ không phải tại Nhật như các dòng khác.



Speed Grade Collection
Là dòng kit được phát hành từ năm 2007, tỷ lệ 1/200, thành hình đơn sắc nhưng được sơn và dán decal sẵn ngay trên runner. Vì vậy người chơi sẽ không tốn nhiều thời gian để lắp ráp thành mô hình hoàn chỉnh như các dòng kit khác. Dòng kit này có khớp cử động được và gồm 4 loại là RX-78 Gundam, Wing Gundam, Z Gundam và G Gundam.


Zeta Gundam trong Speed Grade Collection

Megasize Model
Là sản phẩm được bán ra thị trường vào ngày 6-3-2010 nhân kỷ niệm 30 năm ngày phát hành Gunpla. Dòng này cho tới nay chỉ gồm một mẫu duy nhất là RX-78 với thiết kế kiểu dáng dựa trên mẫu RX-78 tỷ lệ 1/1 trong GREEN TOKYO Gundam Project. Kit này có tỷ lệ 1/48 và sử dụng kỹ thuật Runner Lock nhằm giản tiện hóa quá trình lắp ráp.


Với kỹ thuật Runner Lock, các part được đúc ở trạng thái lắp vào nhau trong hai tấm runner khóa vào nhau, tránh được tình trạng lắp nhầm part.



Những dòng Gunpla đã tuyệt bản
Vì sau khi phát sóng, các dòng Gunpla luôn được tái bản nhiều lần nên nó được đánh giá là không bao giờ bị tuyệt bản. Tuy nhiên, thực tế là có một số dòng kit rơi vào con đường "tuyệt chủng" như liệt kê dưới đây.

Kit màu
Là dòng kit được thành hình với từng part mang màu sắc khác nhau nằm trong cùng một runner, vì vậy người chơi không cần phải sơn cũng có được một mô hình gần với hình ảnh trong Anime. Dòng này sử dụng kỹ thuật thành hình các part mang màu sắc khác nhau nằm cạnh nhau trong cùng runner và kỹ thuật này sau này tiến hóa thành kỹ thuật System Injection sử dụng nhiều loại nguyên liệu trong giai đoạn thành hình. Các dòng HG và MG sau này đương nhiên sử dụng kỹ thuật thành hình đa sắc, nhưng đương thời đây là dòng đầu tiên áp dụng kỹ thuật này. Dòng này có tỷ lệ 1/250 và tất cả các khớp đều cử động được, khắc phục được nhược điểm là khớp đơ của các dòng kit nhỏ. Dòng này có 4 chủng loại được phát hành là Gundam, Zaku chuyên dụng của Shā, Zaku sản xuất đại trà và Gouf.


Mô hình kit nhựa Gouf

Đến thời điểm hiện tại thì dòng kit màu này đã tuyệt bản, nhưng vào tháng 8 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến sĩ cơ động Gundam, công ty thực phẩm Nisshin đã hợp tác với Bandai cho ra đời một số kit màu với tỷ lệ 1/380, nhỏ nhất từ trước đến nay và bán ra với số lượng có hạn. Kit này được bán kèm với một loại mỳ cốc của Nisshin trong gói sản phẩm Cup Noddle mini Gunpla Pack. Dòng này cũng gồm 4 chủng loại là RX-78 Gundam, aku chuyên dụng của Shā, Zaku sản xuất đại trà và Dom.


RX-78 trong gói sản phẩm của công ty thực phẩm Nisshin

Đến tháng 8 năm 2010, công ty thực phẩm Nisshin lại tiếp tục tung ra thị trường những mẫu Gunpla với tỷ lệ 1/380 với số lượng có hạn và sử dụng nhựa trong. Loại kit này được bán trong gói sản phẩm Cup Noddle Shā chuyên dụng Chiri Tomato mini Gunpla Pack. Hai loại kit do Nisshin phát hành này cùng với dòng kit do Pocky phát hành là một trong những món đồ chơi đi kèm với sản phẩm ăn uống tại Nhật.


Mẫu Gunpla nhựa trong trong gói sản phẩm của Nisshin

Charater Collection
Là dạng figure của các nhân vật xuất hiện trong series Gundam đầu tiên, tỷ lệ 1/20 và gồm 10 mẫu nhân vật như Amuro, Matilda, Kai.... Giá bán khoảng 100 en. Đương thời có nhiều modeller độ lại dòng figure này và nổi tiếng, việc này dẫn đến trào lưu figure nhân vật thịnh hành tại Nhật sau đó. Năm 1998, kỷ niệm 20 năm ngày Gundam ra đời, Bandai tái phát hành dòng figure này với nhựa trong và đi kèm với poster. Các dòng từ MG trở đi sau này cũng tặng kèm figure nhân vật với cùng tỷ lệ.

Bubble Cast Model
Loại kit này không sử dụng nhựa thông thường mà sử dụng loại nhựa styrol có bọt. Sản phẩm đi kèm với loại keo chuyên dụng để dán styrol khi lắp ráp. Dòng kit này chỉ gồm một mẫu duy nhất là Zaku II.




Mobile Suit Sengokuden
Là dòng kit lấy đề tài các võ sĩ đạo trong thời kỳ Chiến quốc tại Nhật. Tuy nhiên dòng này không phải SD mà có tỷ lệ 1/144 và áp dụng kỹ thuật MS Joint có từ đời HG RX-78 ban đầu. Dòng này chỉ gồm 3 mẫu là Musha Gundam, Maakutsu và Niu.


Niu với nguyên mẫu là Nu Gundam.

Micro Gundam
Là dòng kit xuất hiện từ năm 1994, áp dụng và phát triển kỹ thuật thành hình đa sắc của dòng kit màu, khớp của dòng này được lắp hoàn chỉnh sẵn ngay trong runner. Vì không bán chạy nên sau đó đã tuyệt bản. Dòng này gồm 3 mẫu chính là Nu Gudam, Gundam, Zaku và một số dị bản của chúng.



Khớp của dòng Micro Gundam đã được hoàn chỉnh ngay từ trong runner.


Limit Model
Dòng này được phát hành với số lượng ít vì Bandai đã xác định sẽ không bán được nhiều. Đối với dòng EX Model như kể trên, nhà sản xuất nâng giá bán lên cao để khấu trừ cho khuôn thành hình hư hao còn đối với dòng kit này, Bandai bán với giá thấp vì khuôn đúc được làm đơn giản. Giá bán dòng này tương đương với những dòng kit nhựa khác nhưng cử động hạn chế, kit gồm nhiều loại nhựa đặc thù như styrol phát bọt nên part khá dày. Sau khi biến hình, cử động cũng dễ phát sinh vết lõm, cong trên sản phẩm. Đối với dòng này, để có được hình mẫu như trong Anime thì người chơi phải tự sơn lấy.

Saturday 26 March 2011

Review: HG RX-93 Nu Gundoom (MC Model) ver.Asm65816

Mặc dù con này đã được bác Ghost review khá là kỹ tại topic này rồi, nhưng nay tui xin làm lại một bài khác chi tiết hơn và cũng có một số ý kiến trái ngược với bác Ghost về nó.

Mở bài

Đầu tiên, mời quý vị xem trang bìa của quyển Booklet hướng dẫn cách ráp của em nó.




Tui vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy tấm hình em này trên một website bán hàng online: lừa tình! Là hai từ hiện lên mồn một trong đầu tui. Vì sao? Vì cái tên Gundoom tự nó cũng đã nói lên rằng đây cũng là một thành viên trong dòng họ nhái của Trung Hoa anh hùng. Hẳn là quý vị đã biết kiểu nhái thương hiệu của 3 Tàu khá là tinh vi? Yamaha bị nhái thành Yamoha, Honda thàng Hongda... Nói chung chỉ thay đổi một vài chữ trong tên hãng hoặc dùng logo bắt chước gần giống như chính hãng để lập lờ những người nhẹ dạ. Con Gundoom này cũng vậy, và với cái vỏ bề ngoài không hề tương xứng với giá tiền của nó, một thời gian dài tui đã nghĩ mấy bức ảnh trên chỉ có tính chất "sâu hàng" và lừa tình mà thôi.
Quả thật, với cái giá 400k VND, so với cái vỏ bề ngoài quá chi tiết đối với một con HG như vậy thì hẳn không ít người sẽ chột dạ: liệu hình ảnh trên bao bì chỉ mang tính "minh hoạ"? Rẻ thì rẻ thật nhưng liệu có ai dám bảo đảm sẽ không mua phải một đống bèo nhèo khi tham rẻ, mua về chỉ có vứt sọt rác? Quý vị nào đã quen dùng hàng Tàu hẳn sẽ biết một chân lý: tiền nào của đó. Thà chịu đau thương một lần, rút hầu bao tậu hẳn một em Bandai về còn hơn là ấm ứt suốt đời, tiền mất tật mang với một em made in China què quặt. Mà trong thú chơi Gunpla này thì điều đó lại càng đúng hơn. Ngay cả hàng Tàu danh tiếng như TT Hongli kia mà cũng chỉ là đống bèo nhèo, huống gì em Gundoom này lại là con đẻ của một anh mới nứt mắt, chưa có tên tuổi trong giang hồ.
Vì vậy, dù biết em nó đã khá lâu, kết cái vỏ ngoài qua mấy tấm hình quảng cáo nhưng tui vẫn không dám rước em nó về. Lên Google dò la thì không thấy mấy ai từng kinh qua ẻm cả (chắc thiên hạ cũng nhát gan như mình), chỉ có vài bức ảnh chụp và một vài câu comment nhưng cũng đủ làm mình vững lòng: em này ngon hơn hàng TT nhiều. Và mãi đến khi bắt gặp được bài review của bác Ghost thì tui mới quyết định....
Vậy thực hư ra sao? Rốt cuộc RX-93 Nu Gundoom cũng chỉ là một thứ hàng nhái bèo nhèo như truyền thống của 3 Tàu hay là một bất ngờ mang đầy tính bất ngờ? Muốn biết sự tình thế nào, cứ đọc phần sau sẽ rõ.


Thân bài

Đầu tiên là một vài thông tin về em nó

- Tên: RX-93 Nu Gundoom (chứ không phải là Gundam nha)
- Thể loại: Gunpla
- Dòng: nhái chín nhăm phần trăm
- Cấp: High grade
- Hãng sản xuất: MCModel, tên Tây là Model Comprehend, tên Hán là Mô Hồn Chân Ngộ (模魂真悟).
- Website của hãng: http://www.mcmodel.cn
- Giá bán lẻ tại VN: 400k (bác Ghost mua đắt hơn 100k)

OK, đặt mua về, mở hộp ra coi thì thực sự là hơi bất ngờ. Mặc dù đã biết trước từ bài review của bác Ghost nhưng vẫn cứ bất ngờ. Hé nắp hộp, ghé mắt trông ngang thấy một cảm giác khác lạ so với khi khui hộp mấy em TT. Phải nó là nhiều, runner cực kỳ nhiều so với một em HG. Thứ hai là độ tinh xảo, phải nói là ăn đứt hàng TT Hongli. Em này có độ chục cái runner, như thế cũng đủ nói lên độ chi tiết rồi.



Đây là beam saber nhựa trong, chụp kỹ cho quý vị an tâm



Và zoom lại gần để thấy được mức độ kỹ càng của nó









Nếu ai từng chơi hàng Hongli hẳn sẽ biết hãng nhái danh tiếng này thành hình khá ẩu tả, nhiều đường lằn chìm không rõ ràng, một số part đúc bị xiêu vẹo, lệch lạc dẫn đến việc lắp ráp rất khó khăn, thậm chí là không khớp để ráp được và nhiều nhựa thừa. Nhưng với em Gundoom này thì tui khẳng định tất cả những cái truyền thống của hàng nhái TT Hongli hay GHD sẽ không được di truyền sang em này. Đường kẻ lằn chìm thì như quý vị thấy, nét căng như dây đàn. Độ chính xác của vị trí, đường kính của lỗ và trụ snap-fix chuẩn như hàng Bandai, ráp sướng tay không thua gì hàng Nhật.


Box cũng được thiết kế sáng tạo chứ không như BD hay TT

Một cái nữa là booklet hướng dẫn được in rất đẹp chứ không lèm nhèm như "bản scan" của TT cọp pi lại từ BD. Trên mạng cũng đã có người scan đầy đủ quyển này, quý vị quan tâm thì có thể xem tại đây. Tuy nhiên một số hình ảnh trong booklet chỉ mang tính "sâu hàng", vì trong hình em này vác tới 4 khẩu Ba-dô-ca và hai cái khiên nhưng thực tế runner chỉ có một nửa. Trang cuối của bookle cũng rất lịch sự, có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện nên có thêm câu cảm ơn quý khách đã ủng hộ, một câu không thường thấy ở hàng Tàu.

Và một cảm giác nữa, nếu ai đã từng cầm nhựa của BD và nhựa của TT trong tay sẽ biết được sự khác biệt. Nhựa BD màu sắc tươi sáng, mềm nhưng chắc trong khi nhựa TT xỉn màu, nhất là màu trắng hay ngả sang màu mỡ gà và nhựa thì cứng, giòn, bóp đau tay, dễ gãy. Còn nhựa của McModel thì sao? Xin thưa là đỉnh không khác gì Bandai, có thể là có chênh lệch nhưng sự chênh lệch đó quá nhỏ để một kẻ phàm phu không tinh tế như tui nhận ra.

Xong, giờ tới phần lắp ráp. Đầu tiên là phần thân của em nó.




Cảm giác khi lắp phần này cũng hệt như khi lắp những phần còn lại, là êm tay, không phải bực mình gọt dũa đục đẻo như khi lắp hàng TT. Phần ống đẩy sau lưng có hai loại thay thế cho nhau được.




Tiếp theo, phần đầu nhìn cũng khá tinh xảo. Tuy nhiên nhiều người lại ghét cái đầu của em này vì nhìn ngu ngu, lộ chất hàng nhái ra. Bản thân tui cũng không thích cái đầu này, nhưng nghĩ rằng không hẳn MCModel không nhái được cái đầu xịn như của Bandai mà họ cố tình làm khác khác đi để lách luật. Ở phần chân em này cũng có nhiều chi tiết khác hẳn so với em HG của Bandai, và nhìn tổng thể thì có khoảng 5% khác. Nghe nói luật pháp Ba Tàu cho phép hàng nước mình nhái thiên hạ độ 98%, miễn là có 2% khác hàng thật thì sẽ không phải ăn thẻ.
Cái mặt nhìn ngu ngu, nhưng cũng không vấn đề gì. Nếu đã có sẵn một em HG của BD thì quý vị thử rút cái đầu đó gắn vào cái mình Gundoom này chắc cũng ngon lắm. Còn không, nghe nói Ba Tàu cũng có sản xuất một số đầu resin tinh xảo như chính hãng, giá chỉ vài chục nghìn. Cái này chưa thử chưa biết.
Phần đầu có một khuyết điểm về mặt thiết kế là nếu ấn cho khớp tròn ở cổ lọt vào trong cục PC bên trong đầu thì em nó sẽ không quay đầu tả hữu được, chỉ có gật đầu chứ không thể lắc đầu.




Hai cánh tay tả hữu phần trên thì giống nhau, phần dưới có khác nhau tí chút và cũng khá thú vị. Bên trong ống tay trái là cái chuôi beam saber, nhưng nhét ở vị trí đó thì ngại lấy ra lắm



Một trong những bộ phận tui quan tâm nhất ở một em Gundam là bàn tay, có làm được đủ trò hay không. Điểm thú vị ở em này là có khá nhiều kiểu bàn tay để thay thế: kiểu quyền, kiểu chưởng, kiểu cầm súng bóp cò và kiểu cầm kiếm. Tuy các ngòn tay dính nhau và không có khớp (thì hàng BD cũng thế mà, có con HG nào tay ngon đâu) nhưng ngoại quan khá là ô cê, không thể chê vào đâu được.



Tiếp theo là phần chân, ráp chuẩn đến độ không phải nói gì nữa. Mọi khớp khiết đều ngon lành cành đào. Nhìn rõ, nhìn kỹ sẽ thấy được bộ khung bên trong lớp giáp trắng và nếu để ý sẽ thấy nhiều điểm khác với mẫu HG của BD. Đến đây thì tui tự nghĩ, chưa chắc McModel này không nhái được những cái tinh xảo của Bandai mà họ cố làm chệch đi để lách luật và phù hợp với chiến thuật kinh doanh của họ thôi.
Xong phần chân là coi như cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lắp thêm phần cánh và một số đồ chơi nữa thôi.


Fin Funnel, Hán dịch là phi dực phù du pháo, sát nghĩa phết

Hàng TT Hongli, vua của các loại hàng nhái được cho là nhái được cái vỏ ngoài của hàng BD 80% nhưng không bắt chước được chất lượng, khớp cái thì quá cứng, cái thì lỏng lẻo đến độ chẳng động gì đến cũng tự rụng như sung. Ở bài review con MG Exia TT, tui có đề cập nhiều đến vấn đề các chốt, lỗ khớp không chuẩn dẫn đến việc build lên cực kỳ nặng nhọc, nhiều khi là không thể nếu không mod, gọt dũa cắt xén bớt hay đục đẽo thêm. Bàn tay của em ấy không thể cầm được bất cứ thứ đồ chơi gì cũng chỉ vì cái khớp ở lòng bàn tay không chuẩn, cánh tay thì không gắn được khiên cũng chỉ vì cái cục nhét vào to hơn cái lỗ bị nhét.
Tuy nhiên...những thứ bực mình đó đã cuốn xéo đi hết ở em Gundoom này.
Trong bài review của mình, bác Ghost có nhận xét về ưu khuyết điểm của em này như sau:

Quote:
Được:
- Giá hợp lý (theo lời của badai là 500k)
- Nhựa khá tốt.
- Chi tiết cực cao so với hàng 1/144 thông thường.
- Đồ đi kèm nhiều và phong phú.

Chưa được:
- Vẫn còn sự lỏng lẻo vốn có của hàng nhái.
- Hàng chi tiết cao nhưng ko có decal kèm theo.
- Không có base.
Tui thấy nhận xét rất chuẩn, nhưng không đồng ý với ý kiến "vẫn còn sự lỏng lẻo vốn có của hàng nhái". Không biết bác ấy mua phải con thế nào chứ em của tui từ lúc lắp ráp cho tới lúc pose cả tuần cũng không rớt một miểng nào. Các khớp không quá cứng nhưng lại đủ chặt, vặn đầm tay như ở hàng BD. Và với cái giá như vậy, chất lượng như vậy thì ai còn đòi thêm base làm gì


HG Gundoom của McModel đập chết MG Exia của TT Hongli


HG Gundoom của McModel ném tan xác SD của Bandai :d


HG Gundoom của McModel đạp văng em HG Sword Impulse của Bandai

Kết bài

Nếu xét kỹ thì 400k không phải là cái giá rẻ đối với một em HG. Giá này tương đương với một em MG của TT Hongli và đắt hơn một số em HG của Bandai. Nhưng nếu nhìn vào chất lượng từ trong ra ngoài của nó thì hẳn bạn cũng sẽ đồng ý rằng: đây là một món hời!
RX-93 Nu Gundoom là sản phẩm đầu tay của hãng McModel và là sẽ là sản phẩm thay đổi định kiến của nhiều người về hàng Tàu. Nếu đã dùng nhiều hàng Tàu thì quý vị đều biết rằng chơi hàng Tàu giống như chơi trò đỏ đen mà phần đen nhiều hơn đỏ. Nhưng tui dám khẳng định, RX-93 này thuộc phần đỏ, rất đỏ để tậu về. Bạn không phải lo nơm nớp kiểu được ăn cả ngả về không. Mua con này là được ăn cả đấy!

Từ cái vỏ ngoài đến khâu lắp ráp, khớp khiết đến chất lượng nhựa, nếu bỏ cái đầu đi và không nói đây là hàng Tàu thì dám nhiều người ráp xong cũng sẽ phán: hàng hiệu BD! Và đây cũng là câu kết luận chung của tui về em này.

Và ngoài lề, sản phẩm thứ hai của hãng McModel là SD Nightingale, và đừng nghĩ rằng đây là hàng nhái. McModel tung ra sản phẩm này trong khi Bandai còn chưa đặt tên em trong danh sách thì không thể gọi là nhái, mà là original của McModel. Một động thái rất đáng hoan nghênh, nếu chất lượng đều tay như em Gundoom này thì nhiều người sẽ bỏ TT ghẻ để ủng hộ hãng.



Xong phần review, giờ là một vài bức không mang tính chất sâu hàng mà cốt chỉ để quý vị dễ hình dung khi đọc mớ chữ dài ngoằng bên trên.


















1. Rozan Shoryuha





2. Aurora Thunder Attack







3. Pegasus Ryuseiken














4. Tenbu Horin