Friday 8 April 2011

Katoki Hajime

Trong dòng kit MG chúng ta thường thấy phiên bản Ver.Ka của chúng. Ai cũng biết đó là phiên bản do Katoki Hajime thiết kế. Vậy đây là nhân vật như thế nào? Loạt bài viết này dịch từ Wikipedia Japan sẽ mang lại những thông tin cơ bản nhất về nhân vật này.

Người dịch: Asm65816

Chú ý: bài này sử dụng lối biểu ký âm đọc tiếng Nhật bằng chữ La Tinh nên xin hiểu rằng Gundam hay Gandamu chỉ là một thứ.


================================================== ======

Katoki Hajime (カトキハジメ) là một nhà thiết kế máy móc, cơ giới, một người vẽ tranh minh hoạ xuất thân từ tỉnh Saitama, Nhật Bản. Katoki ra đời ngày 3 tháng 12 năm 1963 và anh thường tập trung vào lãnh vực Anime, game và đồ chơi.

Con người

Ban đầu, anh có tên là Katoki Sunao và được viết bằng chữ Hiragana trong tiếng Nhật (かとき すなを), sau đổi thành Katoki Hajime và cũng được viết bằng chữ Hiragana (かとき はじめ ). Thời còn là một tác gia Dōjin thì anh còn dùng tên Katō Hajime (加藤 一 ). Kể từ sau khi bộ Anime Kidō Senshi Gandamu 0083 STARDUST MEMORY mà anh phụ trách thiết kế mechanic ra đời thì Katoki biểu ký tên mình bằng chữ Katakana (カトキ ハジメ ) cho đến thời điểm hiện tại.

Katoki bắt đầu được chú ý khi phụ trách thiết kế máy móc, cơ giới (Mechanic) cho dự án Gundam Sentinel được đăng tải dài kỳ trên tạp chí mô hình Model Graphic. Sau đó Katoki còn phụ trách thiết kế Mechanic series Anime Kidō Senshi Gandamu, các tác phẩm dōjin và còn là người phụ trách thiết kế về mặt ý tưởng cho mô hình nhựa (Gunpla) của series Gundam.

Trong Kidō Senshi Gandamu 0083 STARDUST MEMORY thì Kawamori Shōji phụ trách thiết kế cho mẫu Gundam thử nghiệm số 1, nhân vật chính của nửa đầu series. Sau đó, Katoki dựa trên nền tảng của mẫu Gundam thử nghiệm số 1 này để thiết kế lại nhiều chi tiết máy móc, cho ra đời mẫu Gundam thử nghiệm số 3 xuất hiện ở nửa sau của bộ Anime. Về việc này Katoki có comment rằng mình không thích thiết kế ban đầu của Kawamori Shōji lắm và nếu nhà thiết kế tự hài lòng với tác phẩm của mình thì sẽ khiến fan hâm mộ không vui. Chủ trương làm mới lại những thiết kế đã có sẵn của Katoki còn thể hiện trong Gundam Sentinel, Kidō Senshi Gundam 0083 khi thiết kế lại những hình mẫu đã có sẵn trong Kidō Senshi Gandamu 0080 chiến tranh trong túi (Poketto no naka no sensō).

Tuy nghề chính của Katoki là thiết kế Mechanic nhưng anh cũng bắt tay vào việc thiết kế nhân vật như trong Gundam Sentinel, ngoài ra còn vẽ hình minh họa trên bìa tạp chí cũng như thiết kế mỹ thuật cho hộp đựng sản phẩm. Katoki còn chịu trách nhiệm sản xuất của series Figure đã sơn hoàn tất là GUNDAM FIX FIGURATION vốn phái sinh từ tập ảnh CG GUNDAM FIX do chính anh vẽ minh họa. Như vậy có thể thấy hoạt động của Katoki khá đa dạng chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ thiết kế Mechanic cho Anime.
Các tác phẩm liên quan đến Gundam của Katoki phần nhiều là những tác phẩm thiết kế lại từ bản gốc của Ōkawara Kunio. Bản thiết kế của anh cho Mecha chính trong "Kidō Senshi Nu Gundam" được chọn lựa nhưng trong phần tiếp theo là "Kidō Butōden G Gundam" thì bản thiết kế của Ōkawara Kunio lại được chọn. Trong "Shinkidō Senki Gundam Endless Waltz", Katoki đã trưng cầu ý kiến về phong cách thiết kế của mình đến với các nữ khán giả, thành phần ủng hộ chủ yếu của series và đây là điều chưa từng thấy trước đây.


Tác phong:

Điểm mạnh của Katoki Hajime là các bức vẽ nắm bắt được đặc trưng của các loại vũ khí, tàu vũ trụ và mang lại cho người xem nhiều thông tin về đề tài máy móc mà anh vẽ. Vì vậy tác phẩm của Katoki được đánh giá là có tác phong công nghiệp thông qua việc thể hiện những ký hiệu trên thân máy móc, và cũng vì vậy mà tính "tiểu thuyết" trong tác phẩm của anh cũng ít đi.
Ông Tomino Yoshiyuki, nguyên tác giả của Gundam, đã từng nhận xét về thiết kế Nu Gundam của Katoki rằng: "chính bức vẻ thanh thoát của anh ta đã cứu tôi", "giá như giao cho anh ta thiết kế Angle Halo thì chắc đã tốt hơn rồi". Tuy nhiên cũng có ý kiến phê phán rằng: "làm vấy bẩn tính truyền thống của Gundam từ trước đến nay", "chỉ là thứ trang trí lố bịch". Đây là những ý kiến từ chối khi Katoki tham gia vào dự án Nu Gundam.
Những người nổi tiếng như họa sĩ Manga Yoshizaki Mine, tác gia Fukui Harutoshi và họa sĩ vẽ tranh minh họa Shinkawa Yōji đều thừa nhận rằng mình là fan hâm mộ của Katoki. Bên cạnh đó cũng có không ít nhà thiết kế Mechanic như Yanase Takayuki, Fujioka Kenki chịu nhiều ảnh hưởng từ tác phong của Katoki Hajime.

Thế đứng Katoki

Nhà thiết kế Mechanic Ōkawara Kunio, người nổi danh với các thiết kế trong series Gundam cũng như với một thế đứng cho các mẫu người máy mình vẽ với tên gọi "thế đứng Gawara". Cũng tương tự, Katoki Hajime cũng thường vẽ Robot với một thế đứng đặc trưng gọi là "thế đứng Katoki". Theo tranh minh họa của Katoki thì các mẫu Robot đứng theo thế này luôn dạng hai chân rộng bằng hai vai, phần mũi chân trái hơi nghiên xuống dưới về bên phải, phần mũi chân trái thì nghiên xuống xưới về bên trái, tay hơi cong lên và nắm chặt và ngực hơi nhô ra trước. Góc nhìn của thế đứng này không phải từ chính diện mà hơi lệch sang ngang. Thế đứng này không chỉ được thể hiện qua các tranh minh họa cho Anime mà còn được áp dụng rộng rãi khi trưng bày mô hình nhựa (Gunpla). Bản thân Katoki cho rằng đây là thế đứng đẹp nhất đối với các loại Robot. Tư thế này bắt nguồn từ việc Katoki cho rằng các tư thế có sẵn từ trước vốn không mang lại nhiều cảm giác tiếp đất và không thể hiện đầy đủ tính lập thể của phần mắt cá chân Robot và thế đứng mới của anh đã khắc phục được những điểm thiếu sót này.


Thế đứng điển hình của Katoki

Phiên bản Katoki

Phiên bản Katoki (Ver.Ka) là từ dùng để chỉ các tác phẩm "sáng tác lần 2" do Katoki Hajime thiết kế dựa lại trên những kiểu thiết kế đã có sẵn nhưng dưới góc độ nhìn nhận chủ quan của Katoki. Phiên bản Katoki ra đời trong suy nghĩ "đáng lý nó trông phải thế này" của Katoki trong khi vẫn giữ lại được tính lịch sử và hệ thống vốn có của tác phẩm, vì vậy các mẫu Mecha phiên bản Katoki luôn có những điểm dị biệt so với hình ảnh trong Anime hay hình ảnh minh hoạ của tác giả.
Danh từ Ver.Ka lần đầu tiên được sử dụng trong một bộ resin kit do B-Club phát hành. Ban đầu, người ta dự định kit sẽ có tên "Gundam Sentinel phiên bản 0079" nhưng lúc đó xảy ra chuyện đôi co bản quyền về Sentinel giữa Bandai và Model Graphic nên tên này không sử dụng được. Kể từ đó, các bản kit MG trở đi và series GUNDAM FIX FIGURATION cũng thường chứng kiến sự ra đời của các phiên bản Katoki.

Ngoài việc vẽ tranh minh họa, tham gia làm Anime thì Katoki Hajime còn xuất hiện trong nhiều lãnh vực khác liên quan đến Mecha và đặc biệt là Gundam. Katoki từng hợp tác với nhiều tạp chí Manga, mô hình, tham gia thiết kế mô hình nhựa cũng như thiết kế cơ giới cho game.

Tuesday 5 April 2011

Viết về Gunpla, kỳ IV

Nguyên liệu làm Gunpla

Nguyên liệu cơ bản cấu thành nên một mô hình Gunpla là nhựa Polystyrene (PS), và phần lớn những nơi tiếp nhận khớp của mô hình cũng như những phần vũ trang được làm từ nhựa Polyethylene (PE), đây là những nơi cần tính bền dẻo rất cao. Những phần nhựa PE này còn được gọi là Polycap (PC).
Nhiều mô hình Gunpla cũng dùng hình thức dán decal, seal để thể hiện chi tiết, ký hiệu máy móc thay cho việc sơn phết. Các mẫu kit MG, PG và một phần HG sử dụng nhựa ABS (Acrylonitrin butadien styren) trong khung xương của mô hình và những phần khớp chịu lực.

Ngoài ra, các loại kit cao cấp từ MG trở lên và một phần kit HG sử dụng các loại vật liệu đặc thù như kim loại cho những phần chịu lực hay những phần cần đối trọng, nhựa TPE, PET, đèn diode cho những phần phát quang,...

Khuôn đúc Gunpla

Đối với dòng kit MG và PG thì rất hay có việc sử dụng chung khuôn thành hình để đúc ra những phiên bản kit khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp của Aile Strike Gundam và Strike Rouge Gundam, hai mô hình này sử dụng cùng một khuôn thành hình và chỉ là phiên bản khác màu của nhau mà thôi. Trường hợp khác như Wing Gundam Zero (bản Endless Waltz) và Wing Gundam Ver.Ka có những phần runner giống nhau và có thể thay thế part cho nhau.
Việc sử dụng chung khuôn thành hình để đúc ra những sản phẩm khác nhau không phải là đặc trưng riêng của Gunpla mà còn thấy ở các loại mô hình khác. Một lý do của việc này là do chi phí chế tác khuôn thành hình cho Gunpla rất cao. Đối với một mẫu kit phổ thông thì việc tạo khuôn có thể tốn vài chục triệu en cho một kit, đối với những kit quy mô hơn thì số tiền này có thể lên đến cả tỷ en cho một khuôn đúc. Đối với dòng kit cũ ngày trước thì người ta dùng khuôn đúc bằng gỗ, còn ngày nay người ta thiết kế mô hình chính xác bằng Auto Cad, sau đó đúc thử nghiệm với phương pháp Rapid Protyping nên mô hình ngày càng chính xác nghiêm mật hơn, nhưng chi phí nhân công và chi phí thiết kế cũng như thời gian thì gần như không hề thay đổi.

Kỹ thuật chế tác khuôn đúc của Bandai được phát triển kể từ khi Bandai mua lại khuôn đúc và nhà xưởng của Imai Kagaku (tỉnh Shizuoka), một công ty sản xuất mô hình phá sản vào năm 1969. Trong bối cảnh nhiều loại mô hình khác được chuyển cứ điểm sản xuất ra bên ngoài Nhật Bản, đến những nơi như Trung Quốc thì riêng Gunpla vẫn giữ căn cứ địa là Nhật Bản. Trong các poster quảng cáo và hộp đựng mô hình Gunpla, Bandai luôn nhấn mạnh yếu tố "MADE IN JAPAN" như là một phương châm về chất lượng.
Năm 2006, nhà xưởng sản xuất Gunpla của Bandai ở tỉnh Shizuoka chuyển địa điểm từ quận Shimizu sang quận Aoi và bắt đầu hoạt động với cái tên Bandai Hobby Center. Toàn thể cấu trúc của nhà xưởng cũng như đồng phục của nhân viên đều được thiết kế theo motif của Liên bang Địa cầu trong series Gundam. Nơi này cũng mở cửa đón nhận khách đến tham quan.


Bandai Hobby Center với lối kiến trúc đặc trưng của thế giới Gundam

Các sự cố liên quan đến Gunpla

Tại Nhật, đã từng có thời kỳ trào lưu độ mô hình Gunpla rất thịnh hành. Trong đó có phong trào dùng lửa đốt hay dùng kim nung nóng để tạo cho mô hình Gundam vẻ bề ngoài hư hại như sau khi chiến đấu. Việc này dẫn đến nhiều vụ hoả hoạn vì bắt lửa với keo dán, hoá chất sơn mô hình. Trong thời gian cực thịnh của mình, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1982, cục chữa cháy Tōkyō đã xác nhận có 5 vụ hoả hoạn liên quan đến Gunpla và trong đó có vụ thiêu rụi và tử thương.
Gunpla đã trở thành một hiện tượng xã hội tại Nhật, nó còn là món đồ bán kèm của nhiều loại thương phẩm khác nhau.


Các tác phẩm Manga có đề tài về Gunpla

Kể từ khi tạp chí Manga dành cho lứa tuổi nhi đồng là Comic Bonbon cho đăng tải series Manga về Gundam thì trào lưu này nở rộ do sự đón nhận nồng nhiệt của đọc giả. Sau đó tạp chí này còn đăng tải dài kỳ series "Plamo Kyōshirō" với đề tài độ Gunpla để chiến đấu. Hai mẫu Gunpla chính trong Manga cũng đã được dựng thành phiên bản mô hình cấp MG sau khi bộ Manga kết thúc.

Dưới đây là danh sách các bộ Manga có đề tài về Gunpla

*Plamo Kyōshirō
*Shin Plamo Kyōshirō
*Haipā Senshi Gandam Yakyū
*Gunpla Kōshien
*Gunpla Musashi
*Takumi no Gunpla Retsuden


Đến đây là kết thúc loạt bài khái quát về Gunpla